Đó…Hay Đây

7d95c4483d24624972edd1ce20791f32

Một cái tên khá lạ, một cách kể chuyện nội tâm đi vào cảm xúc không như các phim VN khác, “Đó hay đây” của đạo diễn Síu Phạm là một tiếng nói mạnh mẽ tại giải thưởng Cánh diều Hội Điện ảnh VN, hạng mục phim truyện nhựa năm nay.

Thoạt nhìn tưởng đây là một phim về “shock văn hóa” khi người đàn ông ngoại quốc lấy vợ VN trở nên lạc lõng ở một làng chài vùng biển miền Trung Việt nam. Người đàn ông đó lại có tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn mà hình ảnh ông kéo đàn violin bằng những gân cổ (một chi tiết rất đắt) thay vì cây vĩ, trong nhà tắm, là một hình ảnh tuyệt vời.Ông cố thích nghi với lối sống người Việt, từ cách ăn bánh đa trộn với pho mát, từ việc phớt lờ đi sự tọc mạch thích dòm ngó vào nhà người khác của hàng xóm…Và bản thân ông cũng nhiễm thói xấu “trả đũa” của người Việt khi phun khói xăng xe máy vào thẳng tấm áo trắng của ông bạn lái xe hơi vì trước đó ông này đã rồ ga đuổi ông lao xe máy xuống ruộng… Nhưng ông cũng không thể chịu nổi cảnh người ta tự tiện xây miếu thờ cô hồn trước cửa nhà mình mà không một lời nói trước.

Sự chuyển đổi của một làng chài, cơn lốc đô thị hóa tràn vào làm mọi thứ cứ “nửa quê nửa chợ”. Con mắt quan sát của ông khi phóng xe ngoài đường cũng chính là cái nhìn của nữ đạo diễn.

Căn nhà vợ chồng ông Tây – như người dân ở đây gọi – ngoài im lìm đóng cửa như bao căn nhà nông dân khác, nhưng bên trong lại là những mảng màu hồng và xanh rất ấn tượng, như lạc quẻ với bên ngoài, nhưng lại phù hợp với nghề nghiệp của người có vợ là một họa sĩ. Và quan trọng hơn, nó tạo ra bối cảnh hợp lý của hai cá nhân nghệ sĩ sống với nhau không hòa hợp. Trong đó có chuyện sex.
Khi hiện thực xấu, người ta sẽ mơ.

Và người chồng để trí tưởng tượng phiêu du… Trong mơ đẹp hơn thực. Dù có cái chết… Ông chọn cái chết đuối giữa biển khi xin đi câu cá với những người chài lưới trong làng. Ông mơ về một bộ phim sẽ làm và đó là lý do khiến ông đi tìm một thân hình hoàn hảo của một cô gái mát-xa chân dài thay thế cho thân hình của vợ ông. Ông hình dung cảnh bà vợ ông lo lắng đi tìm chồng…

“Đó hay đây” – Cuộc sống ảo – thực lẫn lộn, là một cuộc sống đầy những bất trắc khó đoán định…, và trên hết nó thỏa mãn nhu cầu của đạo diễn như bà tự bạch: “Khán giả không chỉ xem một bộ phim đơn thuần mà tham gia vào hành trình trong trí tưởng tượng của nhân vật…”.

“Đó hay đây” (Here or there) thực sự là một phim tác giả, nó khác hẳn cách kể chuyện của các phim VN. Đan xen giữa hiện thực và tưởng tượng, đan cài ẩn ý những yếu tố văn hóa tâm linh phương Đông, để đánh vào cảm xúc người xem.

Cảnh quay, tạo hình trong phim rất gợi, có lúc như một bức tranh trừu tượng, có lúc lãng mạn như một bài thơ với một số cảnh quay ở biển… Và âm nhạc trong phim thực sự là một thành tố quan trọng tạo nên không khí của phim, cuốn người xem vào câu chuyện hình ảnh.

“Đó hay đây” gợi ra nhiều câu hỏi về hạnh phúc, tình yêu về một con đường sống và ý nghĩa cuộc đời… Nó đòi hỏi người xem thưởng thức chậm rãi, và kiên nhẫn, và tuyệt nhiên không dành cho những ai quen xem phim theo kiểu “ăn sống nuốt tươi”. Bộ phim kết hợp giữa kiểu làm phim truyện và phim tài liệu, có một chút hơi hướng tự truyện của tác giả – nữ đạo diễn Việt kiều Síu Phạm thực hiện tại VN.

Làm tác phẩm đầu tay ở tuổi 60 là chuyện lạ và đáng chú ý là bà Síu Phạm trước đây đã từng học Lịch sử nghệ thuật, viết kịch bản ở trường Focal & Fonction Cinéma Suisse và phân tích phim ảnh ở Đại học Genève (Thụy Sĩ). Sau khi tốt nghiệp ngành diễn viên sân khấu và nghệ thuật múa ở Butoh, bà làm việc ở Genève với tư cách là đạo diễn kịch hình thể hiện đại và đã cùng chồng (ông Jean – Luc Mello – cũng là diễn viên chính trong phim “Đó hay đây”) làm 3 phim tài liệu “Un scénario d´Udaipur” (năm 2003, quay tại Ấn Độ), “Saigòn Blue´s” (2004, tại Sài Gòn) và “Avaler un ange” (2006, tại Genève). Điều đó cho thấy bà thực sự có nhiều trải nghiệm nghệ thuật và quyết định làm phim khi nhu cầu nội tại mãnh liệt.

Síu Phạm cho biết: “Trong chúng ta luôn thường trực sự tưởng tượng. Song điều tôi muốn nói là sai số giữa tưởng tượng và hiện thực. Và chính nghệ thuật điện ảnh cho phép mình làm điều đó… Tôi không xấu hổ, bởi mình đã có một tác phẩm đàng hoàng, tử tế, nói lên trí tưởng tượng, ao ước của con người trong nhân sinh, hội nhập, hòa hợp giữa các nền văn minh trong phim”.

Tháng 10.2011, “Đó hay đây” là phim truyện VN duy nhất tham gia Liên hoan Phim Quốc tế Busan (liên hoan dành cho những phim truyện đầu tay của các đạo diễn trên thế giới) trong chương trình “Những xu hướng mới”. Và năm nay, “Đó hay đây” là một ứng cử viên thực thụ sáng giá tại giải Cánh diều. Nó như một làn gió sáng tạo mới trong mặt bằng chung của các phim VN nhìn chung vẫn làm theo lối truyền thống, xưa cũ…

продвижение сайта

Comments (0)