Được remake từ “bom tấn” xứ Hàn Miss Granny, sau nhiều nghi ngại, áp lực, “Em Là Bà Nội Của Anh” cho thấy sức hút riêng của phiên bản Việt: rất duyên, rất tình.
Được làm lại từ “bom tấn” xứ Hàn Miss Granny, ngay từ khi công bố dự án, Em Là Bà Nội Của Anh đã gây chú ý, nhưng phần lớn là nghi ngại. Người từng xem Miss Granny thì cho rằng Việt Nam khó remake thành công bởi bản gốc quá hay, mà khả năng làm phim tình cảm của các đạo diễn Việt còn hạn chế. Hơn nữa, đây còn là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh. Người chưa xem Miss Granny lại ấn tượng với tựa phim: Em Là Bà Nội Của Anh – tựa khá sốc, gây tò mò nhưng… kỳ cục, có phần nhảm nhí. Nhưng sau hai buổi chiếu ra mắt tại Tp. HCM và Hà Nội, Miss Granny phiên bản Việt nhận được phản hồi rất tích cực từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả.
Nhân vật chính trong Em Là Bà Nội Của Anh là bà Đại (NSƯT Minh Đức) – một cụ bà đang sống tẻ nhạt và cô đơn bởi sự khác biệt thế hệ trong gia đình. Bỗng một ngày, bà trẻ lại, trở thành chính mình ở độ tuổi 20 tươi đẹp. Bà lấy tên Thanh Nga để theo đuổi ước mơ làm ca sĩ còn dang dở ngày xưa. Tình cờ, ban nhạc của cháu trai bà – Tùng (Ngô Kiến Huy) đang thiếu ca sĩ chính. Với giọng hát trời phú, Thanh Nga tham gia, giúp ban nhạc nổi tiếng. Từ đó, nhiều chuyện dở khóc dở cười bắt đầu. Tính cách chín chắn, mạnh mẽ, Thanh Nga khiến ba người đàn ông chết mê chết mệt vì mình: đứa cháu trai ngốc – Tùng, ông Bé (NSƯT Thanh Nam) và nhà sản xuất âm nhạc điển trai Mạnh Đức (Hứa Vỹ Văn).
Vốn kịch bản gốc quá tốt rồi, Em Là Bà Nội Của Anh chỉ cần giữ nguyên tình tiết, lời thoại cũng có thể khiến khán giả cảm động, suy ngẫm. Tuy nhiên, với một phim làm lại từ phim nước ngoài, khó nhất là kể lại câu chuyện gốc với tinh thần, văn hóa Việt Nam. May mắn thay, những gì cần, Phan Gia Nhật Linh đã làm được rồi. Những tình tiết dù rất nhỏ đều được anh trau chuốt. Cách giải thích tông giọng chuyển từ Bắc sang Nam của bà Đại/ Thanh Nga hay chiếc nón kỷ vật đều rất sáng tạo, góp phần kết nối mạch phim. Một chi tiết hay mà có lẽ ít ai chú ý đó là việc bà Đại hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga – “nữ hoàng sân khấu” không may bị sát hại. Diễn viên Hà Linh – người đóng vai ông chủ tiệm ảnh, nơi giúp bà Đại hồi xuân, chính là con trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga ngoài đời. Nếu trong bản Hàn chỉ có một nhân vật chung chung là Audrey Hepburn thì bản Việt “tinh” hơn nhiều. Chi tiết này chắc hẳn khiến khán giả lớn tuổi xúc động.
Không biết nên nói Em là Bà Nội Của Anh may mắn khi có Miu Lê hay Miu Lê may mắn khi có được vai diễn Thanh Nga này. Khán giả có thể cảm nhận sự tươi tắn, đầy năng lượng của một người già bất ngờ có lại tuổi trẻ đã mất và hồ hởi tận hưởng nó nơi Miu Lê, nhưng khi cô bước đi, suy tư lại thấp thoáng hình ảnh một cụ bà. Thêm điểm cộng là gương mặt Miu Lê nhang nhác NSƯT Minh Đức nên người xem càng “tin” hơn vào phép màu kia.
Không chỉ riêng Miu Lê, dàn cast còn lại gồm: Ngô Kiến Huy, Hứa Vỹ Văn, NSƯT Minh Đức, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Thanh Nam, Hồng Ánh… đều diễn tròn vai. Ngô Kiến Huy ngố y như Ban Ji Ha (Jin Young) trong bản Hàn. Nhà sản xuất âm nhạc Mạnh Đức (Hứa Vỹ Văn) thì hào hoa, sáng lạn. Ông Bé (NSƯT Thanh Nam) vẫn si tình, tận tâm với đại tiểu thư nhưng gần gũi hơn trong bản Việt. Riêng cô Duyên ế chồng, ở nhà chăm ba là một nét thú vị hơn hẳn bản gốc. Kiểu làm lố tỉnh như không của Thu Trang đặc biệt ăn điểm. Kiểu ứng biến của cô khi chọi trái cây vào ba hay ngồi xổm lết theo ông rất hài hước, thú vị…
Phần thoại trong bản gốc được phủ một lớp “tiếng Việt”. Với kinh nghiệm, diễn xuất đa dạng của dàn diễn viên, Em Là Bà Nội Của Anh được tiết chế tính “drama” đặc trưng phim Hàn và lột tả cảm xúc trong nhiều đoạn lấy nước mắt khán giả. Lời thoại của cậu con trai khi cảm ơn mẹ về sự hy sinh và nhắn nhủ bà hãy tìm hạnh phúc riêng – không dài dòng mà vẫn trọn vẹn nội dung, đầy tình cảm. Lời anh nói khiến khán giả xúc động bởi đó là nỗi lòng mà mỗi người con trưởng thành đều muốn nói với (ba) mẹ mình từ lâu.
Nhạc phim là một điểm sáng, đáng khen. Nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc trẻ tưởng chừng không điểm chung nhưng trong cùng một phim, mỗi ca khúc vang lên đều phù hợp với từng khung hình: Mạnh Đức ngẩn ngơ khi nghe Thanh Nga hát Diễm Xưa trong chiều mưa, khán giả lặng người khi nghe Thanh Nga hát về những năm tháng cơ hàn với Còn Tuổi Nào Cho Em, giấc mộng đẹp rạn vỡ theo giai điệu Mình Yêu Từ Bao Giờ trong trường đoạn flash back cuối phim… Không chỉ kể một câu chuyện hay bằng hình ảnh, Phan Gia Nhật Linh còn dùng âm thanh để diễn tả trọn vẹn hơn.
Vài ý kiến khắt khe cho rằng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được đào tạo bài bản lại ra mắt bằng một tác phẩm chuyển thể thì quá nhạt nhòa. Tuy nhiên, có thể nói Em Là Bà Nội Của Anh là phim chuyển thể hay và Việt nhất trong thời gian gần đây. Vẫn còn điểm yếu, thậm chí dễ thấy như: cách nói chuyện hơi hỗn của Thanh Nga khi ra mắt gia đình Tùng, hay nhân vật khi già mặc trang phục kiểu Bắc nhưng khi trẻ lại thì “rặt gái Sài Gòn”, quan hệ của Nga và Mạnh Đức chưa sâu… nhưng chí ít, phim không rơi vào hàng “vô lý và hư cấu”.
Chắc chắn, dù có ý kiến trái chiều và so sánh nhưng Em Là Bà Nội Của Anh vẫn sẽ ghi điểm. Phim hoan hỉ, nhưng vẫn dịu dàng chia sẻ những câu chuyện về gia đình, tình yêu; nói ra nỗi lòng của người già và nhẹ nhàng nhắn nhủ với người trẻ về việc đối đãi, cảm thông với các thế hệ trước.