Cô Dâu Đại Chiến

Khán giả mê điện ảnh Việt Nam chắc không còn xa lạ với bộ phim tình cảm hài Chuyện Tình Xa Xứ của đạo diễn Victor Vũ. Bộ phim mang phong cách Hollywood trong cách kể chuyện nhưng vẫn đảm bảo được câu chuyện rất Việt Nam qua những nhân vật và đặc biệt là lời thoại vô cùng gần gũi với cuộc sống. Và những ai đã từng yêu mến phong cách làm phim của Victor Vũ một lần nữa sẽ hoàn toàn mãn nguyện với bộ phim tình cảm hài chiếu Tết Cô Dâu Đại Chiến.

Bật mí là kịch bản của Cô Dâu Đại Chiến được Victor Vũ viết ngay sau Chuyện Tình Xa Xứ dựa vào nhân vật chàng công tử dân chơi Khang. Cô Dâu Đại Chiến giống như là phần trước của Chuyện Tình Xa Xứ, khi Khang mải lo ăn chơi chưa tìm ra hạnh phúc của mình nơi xứ lạ. Trong trailer được tung ra trước ngày công chiếu, khán giả có thể phỏng đoán được nội dung của bộ phim nói về một chàng trai sở khanh tên Thái (Huy Khánh) đùa giỡn tình yêu của 4 cô gái xinh đẹp cùng một lúc. Đó là cô tiếp viên hàng không Trang (Ngân Khánh), nữ đầu bếp Quyên (Lê Khánh), cô bác sĩ Mai Châu (Vân Trang) và nữ diễn viên bốc lửa Phương (Phi Thanh Vân). Cho đến khi Thái trúng tiếng sét ái tình với nữ họa sĩ Linh (Ngọc Diệp) và muốn tiến đến hôn nhân thì 4 cô gái xinh đẹp trước đây đồng loạt trở thành “sư tử Hà Đông” xuất hiện tại đám cưới… Tuy nhiên không đơn giản chỉ có thế mà Victor đã rất khéo léo giữ lại nhiều bất ngờ để khán giả khám phá khi xem phim. Đó chính là thông điệp rất đời thường mà chính đạo diễn Victor Vũ tâm sự rằng muốn gởi đến mọi khán giả, mọi người đang yêu hãy biết trân trọng tình yêu của mình.

Với câu chuyện không lạ đã xuất hiện trong rất nhiều phim Mỹ hay HongKong trước đây, nhưng Cô Dâu Đại Chiến vẫn là một bộ phim xuất sắc mang phong cách rất riêng của Victor Vũ, những hình ảnh đẹp của quay phim K’Linh và những lời thoại rất đời thường Việt Nam cực kỳ hài hước. Nếu so sánh với Chuyện Tình Xa Xứ cùng phát hành gần cùng thời điểm Tết và Valentine 2009 thì có thể nói rằng Cô Dâu Đại Chiến là một bước tiến khá xa của Victor cũng như là bộ phim tình cảm hài hay nhất trong mùa phim Tết 2011.

Cô Dâu Đại Chiến có cách viết kịch bản và dựng phim rất Hollywwod, điển hình là đoạn đầu phim chính là thời điểm gần cuối của câu chuyện. Điều này càng khiến khán giả tò mò hơn như đọc ngược cuốn sách đến điểm gần cuối nhưng phải trở lại đọc trọn vẹn từ đầu rồi mới biết kết cuộc. Đây là điểm thú vị đầu tiên của kịch bản, nhưng nếu chỉ có thế thì không thể cuốn hút khán giả suốt bộ phim và cười nghiêng ngả rung rinh cả rạp. Một anh chàng hào hoa phong nhã đi xe xịn đầy tự tin thì chinh phục bất cứ cô gái nào cũng đơn giản như việc mua một món quà. Một cô bác sĩ nhưng như trẻ con chỉ biết shopping dangcing vui chơi ồn ào với bạn bè chứ không biết chuyện bếp núc. Một nữ bếp trưởng vô cùng nam tính lúc nào cũng đầy nguyên tắc luật lệ kỷ cương ngay cả trong chuyện ân ái với bạn trai. Một cô gái đã quá chán nản với những mối tình không hồi kết, chỉ muốn một cuộc hôn nhân ổn định thì việc nổi cơn ghen tam bành để níu giữ chuyện tình cảm là điều dễ hiểu. Hay một nữ diễn viên vô cùng sexy nhưng không thể diễn những cảnh nội tâm, chỉ là bình bông di động, mà còn là bông… giả. Những nhân vật trong phim được xây dựng với nghề nghiệp và tính cách rất lạ nhưng vừa hợp lý khiến khán giả có thể nhận thấy họ hiện diện đầy ở ngoài đời và có khi là chính mình. Điều này chính là một điểm hài hước khi nhân vật có tính cách quá vô lý khiến khán giả phải cười lăn cười bò vì cách họ hành xử. Nhưng rồi lại nghiệm kỹ lại có khi mình cũng như từng suy nghĩ và hành xử điên rồ y như vậy. Chính vì vậy những ai đang ở lứa tuổi đang tìm kiếm mối tình ổn định đi đến hôn nhân khi xem phim này đặc biệt sẽ cảm thấy đồng cảm vô cùng. Khán giả nam có thể sẽ ít nhiều đồng đồng cảm với nhân vật Thái vì cũng từng gặp những cô gái kỳ lạ như thế. Hay khán giả nữ có dịp để nhìn lại những hành xử kỳ quặc của mình khiến cho đối phương phải bỏ của chạy lấy người.

Là một bộ phim thuộc thể loại tình cảm hài, Cô Dâu Đại Chiến không thuộc thể loại tình cảm hài nhẹ nhàng. Nhiều khán giả đã hoàn toàn ngạc nhiên khi xem vì đây là một bộ phim hài đi theo hướng hơi nhảm trong cách thể hiện và nhiều tình huống chi tiết. Những ai đã từng mê kiểu phim hài nhảm Châu Tinh Trì thì phải xem phim này vì có rất nhiều những hình ảnh chi tiết nhái lại kiểu phim này. Và những chi tiết nhái rất hợp lý và có duyên có thể khiến bạn cười đến rung ghế. Điển hình là nhân vật nữ bếp trưởng của Lê Khánh, nhìn thấy cách cô hành xử hay nói chuyện như một hiệp khách trong phim bộ của TVB HongKong. Đảm bảo quai hàm của bạn có thể bị nhức vì cười quá to và không thể dừng được. Như nữ diễn viên bốc lửa Phương gần như được đo ni đóng giày cho Phi Thanh Vân. Phải thán phục cả kịch bản lẫn bản thân cô khi chấp nhận đem chính cuộc đời của mình lên phim với những lời nhận xét châm chọc mỉa mai. Và chàng sở khanh Thái cũng ít nhiều nhắc đến cuộc sống của Huy Khánh. Đó là cách mà bộ phim nhái những nhân vật nửa phim nửa thật khiến khán giả cảm thấy vô cùng thú vị không khỏi bật cười khi liên tưởng. Không chỉ hài trong các nhân vật, khá nhiều thoại hay chi tiết trong phim nhái lại những sự kiện đời sống và văn hóa đời thật vào phim. Ví dụ như mẫu quảng cáo của KFC hay bộ phim thành công của đạo diễn Charlie… và nhiều những chi tiết khác được biên kịch giấu trong phim mà ai biết thì sẽ nhận ra và lại phải cười vì khá tinh tế.


Không dừng lại ở đó, sự hài hước của phim còn đến từ một yếu tố ít ai ngờ nhất trong phim Việt Nam: đó là kỷ xảo. Kỷ xảo trong phim đóng góp khá nhiều tiếng cười cũng như dẫn dắt câu chuyện, góp phần vào tiếng sét ái tình đánh trúng vào Thái khi nhìn thấy Linh, dẫn dắt mối tình của họ khiến khán giả có thể đồng cảm được với một tình yêu đẹp. Không chỉ đơn giản là yếu tố phụ, Victor Vũ ngay từ khi viết kịch bản đã dành một vai trò quan trọng cho kỷ xảo. Phải nói rằng tuy rằng không phô trương nhưng kỷ xảo trong phim Cô Dâu Đại Chiến thật sự có thể sẽ khiến bạn kinh ngạc vì quá xuất sắc. Có thể bạn đã từng xem những kỷ xảo như trong phim Mỹ và thấy bình thường nhưng đối với một phim Việt Nam đây quả thật là một bất ngờ lớn. Những hiệu ứng freeze time (đứng hình, cảnh các cô dâu rượt đuổi ), bullet time ( dừng khung hình theo tốc độ đạn bay, cảnh phi dao) xuất hiện lần đầu tiên trong một phim Việt Nam. Hiệu ứng kỷ xảo phải nói là rất hoàn hảo được lồng trong những tình huống rất bất ngờ nhưng hợp lý, vừa nhấn mạnh tình huống và tạo tiếng cười tự nhiên cho khán giả. Quả thật đây là một bước tiến lớn của phim Việt Nam cũng như đạo diễn Victor Vũ nhằm chuẩn bị trước cho những dự án phim tiếp theo. Như anh đã bày tỏ với người viết rằng muốn thử sức ở những thể loại phim mà yếu tố kỹ thuật nắm một vai trò quan trọng chỉ sau kịch bản. Cũng có khi là một dự án phim 3-D chẳng hạn, biết đâu đấy khán giả hãy chờ xem .реклама в интернете сайта

Comments (0)